Giới xuất bản kêu gọi độc giả cùng đẩy lùi sách lậu
- Người viết: Trung tâm Phát hành lúc
- Tin tức
- - 0 Bình luận
Tại hội thảo Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc, chiều 29/8 ở Hà Nội, nhiều đơn vị xuất bản cho biết bị ảnh hưởng nặng nề vì sách giả, sách lậu.
Nhà xuất bản Trẻ thống kê đơn vị có hơn 300 đầu sách bị làm giả, trong đó có cuốn Cha giàu, cha nghèo nhái từ bộ Dạy con làm giàu. Một số sách dạy ngoại ngữ, truyện Nguyễn Nhật Ánh hay bộ Gieo mầm tính cách cũng bị in lậu tràn lan trên thị trường.
Đại diện Nhà xuất bản Trẻ lấy ví dụ câu chuyện về sách thật, sách giả qua trường hợp của tác giả best seller Nguyễn Nhật Ánh. Trong một lần ông ký tặng ở Hà Nội, có độc giả nhí của nhà văn đi cùng bố mẹ, mang đến 10 cuốn sách lậu để ông ký tặng. Tình huống khiến tác giả lặng người, phải xin nghỉ giải lao để lấy lại bình tĩnh. Nhà xuất bản sau đó tặng cho độc giả một cuốn sách thật.
Nguyễn Nhật Ánh ký tặng cuốn "Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng" năm 2022.
Đại diện Tân Việt Books cho biết từng thử đặt mua sách nhái các cuốn họ sản xuất trên mạng, được chào mời có thể cung cấp số lượng lớn, đến hơn 40 bộ. Thậm chí, các trang này sử dụng chính video, hình ảnh của Tân Việt Books để chạy quảng cáo.
Một số nhà xuất bản đề nghị có chế tài xử phạt nghiêm minh. Cuối năm 2022, đường dây nóng xử lý sách lậu đã được thành lập, trực toàn thời gian nhưng vẫn cần đẩy nhanh quy trình xử lý hơn.
Theo quy định, việc in lậu, in nối trái phép có thể bị xử phạt hành chính từ 20 đến 30 triệu đồng. Đại diện công ty sách Quảng Văn cho biết số tiền này chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lợi nhuận mà các cơ sở, cá nhân in lậu sách thu được. Do đó, nhiều cơ sở vi phạm sẵn sàng nộp phạt, sau đó lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn. Họ đề xuất bổ sung điều khoản thu hồi tang vật là những máy in, thay vì chỉ thu sách lậu, sách giả.
Đường dây sản xuất hơn 3 triệu cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo giả, thu lợi nhuận khoảng 50 tỷ đồng, bị triệt phá tháng 6/2021
Các nhà xuất bản, giảng viên đưa ra giải pháp hàng đầu là hướng dẫn độc giả chung tay, bởi thực tế nhiều người đọc không phân biệt được đâu là sách giả, sách thật.
Theo nghiên cứu từ Công ty Cổ phần sách điện tử Waka, chỉ có 2-3% lượng khách hàng quan tâm đến việc sản phẩm mình mua là thật hay giả.
Theo Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông, nhiều người có tâm lý ham mua sách rẻ, sách chiết khấu cao. Đặc biệt, đa số học sinh, sinh viên thường bàng quan về vấn đề bản quyền, không quan tâm chuyện sách thật sách giả, miễn là đọc được. Các giảng viên tại khoa xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết yêu cầu sinh viên chỉ dùng giáo trình chuẩn, không dùng tài liệu photo. Những em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ một phần tiền mua giáo trình hoặc được mượn từ thư viện trường.
Cục Xuất bản, In và Phát hành khuyến khích các nhà xuất bản dùng nhiều biện pháp nâng cao độ nhận biết của người đọc với sản phẩm sách thật như tạo QR code cung cấp thông tin, sử dụng tem thông minh, in các loại bìa cứng khó làm giả.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - cho rằng in lậu, làm giả xuất bản phẩm gây thiệt hại cho lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân và tác động xấu đến công tác quản lý, công tác tổ chức thực thi pháp luật. Hành vi này còn trực tiếp xâm phạm quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, cả về quyền nhân thân và quyền tài sản. Các đối tượng làm giả xuất bản phẩm thu lợi nhuận cao nhưng lại trốn thuế, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Bên cạnh đó, việc sử dụng xuất bản phẩm lậu tạo thói quen tiêu dùng không tốt, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, tác động xấu đến định hướng phát triển văn hóa đọc. Các bản in giả với chất lượng kém còn gây hại tới người sử dụng, đặc biệt là trẻ em.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành - chủ trì hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - khẳng định các nhà xuất bản cần chung tay đẩy lùi nạn sách lậu, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, khó làm giả. Với các nhà trường, từng sinh viên phải ý thức về việc sử dụng sách, tài liệu trong quá trình đào tạo.
Hội thảo do Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, một số đơn vị liên quan, trong đó có Hội Thư viện Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành - đồng chủ trì sự kiện cùng ông Đỗ Quang Dũng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nguồn: Cục Xuất bản, In và Phát hành
Viết bình luận
Bình luận