Tổng quan về bản đồ

 30/08/2021  Đăng bởi: Việt bản đồ quả cầu

1. Khái niệm cơ bản

Bản đồ là hình ảnh thu nhỏ một phần hay toàn bộ bề mặt Trái Đất lên trên một mặt phẳng bằng những quy tắc toán học xác định, nhằm thể hiện sự phân bổ, trạng thái và những mối liên hệ của các đối tượng, hiện tượng tự nhiên, xã hội thông qua hệ thống ký hiệu quy ước.

2. Lịch sử phát triển

Bản đồ được xuất hiện từ nhu cầu thiết yếu của con người và phát triển như một dấu ấn về sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Qua nhiều thời đại, bản đồ có nhiều hình dạng khác nhau. Sớm nhất có lẽ là những bản phác thảo mặt đất ở hai nền văn minh Babylon và Ai Cập cổ đại. Đó là các bức tranh hang động và các tác phẩm chạm khắc trên đá có niên đại từ hàng ngàn năm trước công nguyên, giúp con người có thể nhận ra các đặc điểm cảnh quan như núi, sông, thung lũng và các khu vực trong thời kỳ đồ đá mới. Ngoài ra ở Tây Ban Nha, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một trong những bản đồ lâu đời nhất hiện có trên thế giới, niên đại gần 14.000 năm được phác họa trên một tấm bia đá.

Vào thế kỷ XV, bản đồ ở châu Âu đã được sao chép nhanh và thẩm mỹ hơn do có sự phát triển của in và khắc. Các vùng đất mới được khám phá và các đường bờ biển chi tiết hơn được thêm vào bản đồ. Người châu Âu đã khám phá phần lớn châu Mỹ trong thế kỷ XVI, Australia vào thế kỷ XVII và Nam Cực cuối cùng đã được nhìn thấy vào đầu thế kỷ XIX. Tại thời điểm này, bản đồ các vùng đất trên toàn thế giới đã khá chính xác.

Từ thế kỷ XIX đến nay, bản đồ trở nên tiên tiến hơn với sự phát triển của quy trình in thạch bản, máy tính, in màu và các công nghệ biểu diễn mới.

3. Phân loại

Để tiện lợi trong việc nghiên cứu, sử dụng và bảo quản bản đồ, sẽ có những phân loại khác nhau: theo nội dung, theo mục đích sử dụng, theo lãnh thổ, theo phương thức sử dụng, theo tỷ lệ…

3.1. Phân loại theo nội dung, gồm 2 nhóm:

- Nhóm bản đồ địa lý chung: Bản đồ biểu thị toàn bộ các yếu tố cơ bản của lãnh thổ (thủy văn, dáng đất, các đường ranh giới, dân cư, giao thông, một số đối tượng kinh tế công nông nghiệp và văn hoá). Mức độ tỷ mỷ khi biểu thị nội dung phụ thuộc vào tỷ lệ và mục đích của bản đồ. Các bản đồ địa hình chính là các bản đồ địa lý chung tỷ lệ lớn.

Hình 1: Bản đồ địa hình

- Nhóm bản đồ chuyên đề: Bản đồ phản ánh về từng hiện tượng, đối tượng tự nhiên, xã hội cũng như các tổ hợp và thể tổng hợp của chúng. Bản đồ chuyên đề phân nhóm theo các chủ đề như: địa chất, địa mạo, khí hậu, cảnh quan, dân cư, kinh tế…

Hình 2: Một số loại bản đồ chuyên đề

3.2. Phân loại theo tỷ lệ

 Theo tỷ lệ thì các bản đồ được chia theo các khoảng tỷ lệ, cơ bản có thể xếp thành ba loại như sau:

  • Bản đồ tỷ lệ lớn: ≥1/25.000.
  • Bản đồ tỷ lệ trung bình: 1/50.000 – 1/500.000.
  • Bản đồ tỷ lệ nhỏ: ≤ 1/1.000.000

3.3. Phân loại theo mục đích sử dụng

Đa số các bản đồ đều được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích rất khác nhau. Nhưng về cơ bản có thể chia thành 2 nhóm: 

- Bản đồ nhiều mục đích: thường đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau để giải quyết những nhiệm vụ có ý nghĩa kinh tế quốc dân và quốc phòng, để nghiên cứu lãnh thổ, đề thu nhận những tư liệu tra cứu. 

- Bản đồ chuyên môn: là các bản đồ được dùng để giải quyết những nhiệm vụ nhất định, ví như bản đồ giáo khoa, bản đồ hàng hải, hàng không….

3.5. Phân loại theo lãnh thổ

Theo lãnh thổ, có các loại bản đồ phổ biến như sau: Bản đồ thế giới, bản đồ bán cầu, bản đồ châu lục, bản đồ các nước, bản đồ vùng, bản đồ tỉnh...

Hình 3: Bản đồ Việt Nam trong biển Đông

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Viết bình luận của bạn:
Trở thành

nhà phân phối Narenca

trên toàn quốc