Cuộc chiến chống sách lậu trong thời đại Internet

 28/06/2023  Đăng bởi: Việt bản đồ quả cầu

Trong bối cảnh không gian Internet phát triển sách bị làm lậu bằng nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi. Để tự bảo vệ mình, các nhà xuất bản phải biết cách tận dụng công nghệ mới.

 

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Sáng ngày 28/6 tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Cục xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo "Nhận diện các hành vi in lậu làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng, chống".

 

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Ngọc Bảo (Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông), bà Nguyễn Hoài Anh (Phó giám đốc - Phó tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật), bà Vũ Thị Kiều Hạnh (Phó chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tại Hà Nội), cùng đại diện các đơn vị xuất bản công ty sách như Alphabooks, Thái Hà Books, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam…

Những chiêu núp bóng mới của sách lậu

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trên địa bàn Thành phố có khoảng hơn 400 cơ sở in, 1.200 cơ sở photocopy và hơn 200 cơ sở phát hành. Từ năm 2016, Thành phố đã lập Đội liên ngành phòng, chống in lậu; 30 quận, huyện, thị xã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành. Đơn vị này phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như: Công an, Cục Quản lý thị trường, Thuế…

 

Sau gần 7 năm bám sát nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình cơ sở in có dấu hiệu vi phạm, đơn vị này đã phát hiện nhiều thủ đoạn của đối tượng sản xuất sách lậu. Hoạt động in lậu thường diễn ra vào ban đêm. Sau đó sản phẩm in lậu được vận chuyển phân tán đến các địa điểm khác nhau ở vùng sâu, vùng xa để gia công cắt xén hoàn thiện sản phẩm.

 

Từ đó những kẻ vi phạm phát luật sẽ lách khỏi sự phát hiện của cơ quan chức năng. Các tổ chức, cá nhân thuê in xuất bản phẩm thuê nhiều nơi khác nhau làm các công đoạn để tránh bị theo dõi.

 

Bà Vũ Thị Hồng Hạnh (Phó chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, TS Hoàng Mạnh Thắng (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Thư ký biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) cho rằng sách in hiện nay đang bị làm lậu dưới hình thức ebook và audiobook. Công nghệ hiện đại khiến cho việc lưu hành ebook thậm chí còn nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với in lậu.

 

Các sàn thương mại điện tử có bán sách, các kênh bán hàng trực tuyến như mạng xã hội, trang web... với hình thức bề ngoài giống sách thật đến 95%, không dễ để nhận diện. Trong khi đó, giá sách lậu chỉ bằng hai phần ba, thậm chí bằng nửa so với sách thật, mang lại siêu lợi nhuận cho cơ sở in ấn trái phép.

 

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện công ty Alphabooks cho biết thêm trong số 1.000 đầu sách có tới 20-30% sách bị in lậu. Có những cuốn sách mới xuất bản khoảng 2-3 tuần, hiệu ứng truyền thông tốt, lập tức ấn phẩm đó sẽ bị làm lậu. Còn từ phía công ty sách Thái Hà, số lượng sách bán chạy đã sụt giảm 40% so với thời điểm trước năm 2020, 60% sách đã bị lậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của đơn vị làm sách.

Dùng công nghệ để đấu với công nghệ

Trao đổi với Tri thức Trực tuyến, TS Nguyễn Đăng Quang (nguyên Phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) nhận định rằng sau 4 năm hiệu quả của việc sử dụng tem công nghệ 4.0 rất tốt.

 

Không chỉ người dùng, các cơ quan chức năng có thể sử dụng tính năng kiểm tra chống hàng giả trên con tem để phát hiện sách của các đối tượng in lậu. Cụ thể, mỗi cuốn sách có một mã riêng, dòng mã này có thể nhập vào website kiểm tra hàng giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để biết thông tin xuất xứ của sách.

 

“Dù đã áp dụng nhiều công nghệ làm tem giả, hiện nay các đối tượng in sách lậu đang có dấu hiệu mua một cuốn sách thật về sao chép mã đó lên toàn bộ các sản phẩm in. Vì vậy, nếu thấy dòng thông báo ‘Mã này đã được kích hoạt’ khi bạn kiểm tra mã từ một cuốn sách mới, rất có thể bạn đã mua phải sách lậu”, TS Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.

 

Toàn cảnh hội thảo "Nhận diện các hành vi in lậu làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng, chống".

 

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo (Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành) mong rằng ý tưởng về con tem hiện nay Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang sử dụng sẽ tiếp tục được mở rộng. Nhờ đó, các nhà xuất bản cùng các công ty sách sẽ có thêm phương tiện để tự bảo vệ mình khỏi vấn nạn sách lậu.

 

Đại diện Cục cũng tiếp thu các ý kiến của các công ty sách về việc hoàn thiện đường dây nóng ngăn chặn sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền. Ông Nguyễn Ngọc Bảo trao đổi rằng các đơn vị sách có thể báo cáo lên phòng Pháp chế của Cục để được hướng dẫn về quy trình khiếu nại và báo cáo phát hiện vi phạm bản quyền.

 

Kết luận hội thảo, ông Bảo nhấn mạnh về ý nghĩa của hội thảo lần này sẽ là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng bộ nhận diện các hành vi in lậu, gian lận thương mại.

 

Các ý kiến, tham luận trong hội thảo sẽ giúp cho Cục Xuất bản, In và Phát hành xây dựng được bộ công cụ này sát với thực tế hơn, giúp ích cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử phạt sách lậu. Trong thời gian tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ tổ chức thêm nhiều hội thảo chuyên đề nữa để lấy ý kiến của các đơn vị xuất bản, làm sao để tìm ra giải pháp chung ngăn chặn làn sóng sách lậu trên môi trường internet.

Nguồn: https://zingnews.vn/

 
Viết bình luận của bạn:
Trở thành

nhà phân phối Narenca

trên toàn quốc