Cực Nam địa lý

Cực Nam địa lý

Cực Nam địa lý là một trong hai điểm trên Trái Đất nơi trục quay tiếp xúc với bề mặt của hành tinh. Điểm còn lại là cực Bắc địa lý, nằm đối xứng với cực Nam ở phía bên kia địa cầu. Toạ độ của cực Nam địa lý là 90 độ Nam. Tại cực Nam địa lý, mọi hướng đều là hướng Bắc .

                                       

Cực Nam địa lý nằm giữa một khu vực hoàn toàn trống trải và không có dấu hiệu tự nhiên để nhận biết, cách bờ biển khoảng 1.300 km, với độ cao 2.835 m so với mực nước biển, trong đó, 2.700 m là độ dày của lớp băng. Nhiệt độ cao nhất đo được tại điểm cực Nam là -12,3 độ C, và thấp nhất là -82,8 độ C

                               

Ngày 14.12.1911, Roald Amundsen và đoàn thám hiểm bí mật của Na Uy lần đầu tiên đến cực Nam địa lý. Đúng 34 ngày sau, Robert Scott dẫn đoàn của Anh cũng đến nơi. Đoàn này không biết là đoàn của Na Uy đã đến trước, và trên đường về, cả 5 người trong đoàn đều bỏ mạng vì lạnh và đói. Năm 1956, Mỹ cho xây Trạm Nam cực Amundsen–Scott ngay tại cực Nam địa lý và đặt theo tên theo hai nhân vật đầu tiên đến đây.

Cực Nam địa lý nằm ngay bên ngoài Trạm Amundsen–Scott, với bảng hiệu có tên của hai nhà thám hiểm, cùng với một cọc cắm xuyên qua lớp băng đánh dấu cực Nam địa lý

                               

Tuy nhiên, do trục quay của Trái Đất có sự lạng lách nhẹ về vị trí so với bề mặt, cũng như lớp băng có sự trượt nhẹ khoảng 10 m mỗi năm so với lớp đất nền bên dưới, các nhà khoa học phải làm lễ cắm lại cọc dấu mỗi năm vào dịp Năm Mới. Để phục vụ cho việc chụp ảnh, một cực Nam địa lý tượng trưng cố định được dựng cách cực Nam địa lý thật khoảng vài trăm mét, với lá cờ của 12 quốc gia tham gia ký Hiệp ước Nam cực 1961

                               

                               

Do mọi kinh tuyến đều đồng quy tại cực Nam địa lý, và do mặt trời chỉ mọc và lặn 1 lần trong năm, mỗi lần cách nhau 6 tháng, nên các múi giờ trở nên vô nghĩa tại Nam cực. Mỗi trạm nghiên cứu của mỗi nước sẽ tự quy ước múi giờ sao cho thuận tiện với các hoạt động hậu cần và nghiên cứu của mình. Trạm Amundsen–Scott của Mỹ nằm ngay tại cực Nam và hoạt động theo giờ New Zealand (UTC +12/+13).

 

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận