Khi văn hóa đọc trở thành một phần cốt lõi trong đời sống

Khi văn hóa đọc trở thành một phần cốt lõi trong đời sống

Khi văn hóa đọc trở thành một phần cốt lõi trong đời sống

Cho đến những năm gần đây, công tác phát triển văn hóa đọc từ trung ương đến địa phương diễn ra mạnh mẽ thu hút sự quan tâm, đóng góp của quần chúng.

 

Các bạn trẻ đến tham gia chương trình tại phố Sách Hà Nội nhân ngày Sách Việt Nam. Ảnh: Đức Huy.


6 ấn bản/người/năm là một con số đáng chú ý trong năm 2022 của ngành xuất bản. Điều này không chỉ phản ánh số lượng xuất bản phẩm tăng lên trong những năm trở lại đây mà còn thể hiện nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Sức đọc, văn hóa đọc đều đang có những dấu hiệu phát triển. Dễ thấy nhất trong đời sống hàng ngày là vào những dịp lễ đặc biệt ngày nay, mọi người bắt đầu sử dụng sách như một món quà tặng gửi đến những người thân yêu của mình. Dù đây chỉ là một hành động nhỏ của mỗi cá nhân nhưng nó đang góp phần hình thành bức tranh khuyến đọc của Việt Nam. Dường như ai cũng đang có ý thức về việc lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Để tinh thần này trở thành một phong trào toàn dân hưởng ứng phải có sự tham gia của các đơn vị, tổ chức đoàn thể xã hội. Nhờ sự tư vấn, đóng góp ý kiến của Hội Xuất bản Việt Nam, các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc đang diễn ra sôi nổi hơn, thu hút quần chúng với đầy đủ tầng lớp, lứa tuổi.


Đưa sách đi muôn nơi
Trong nhiều năm vừa qua, các hoạt động trao tặng, xây dựng, quyên góp tủ sách đã được thực hiện bởi nhiều đơn vị làm sách trong nước. Năm 2020, 10.000 đầu sách và đồ dùng học tập được Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng cho thanh thiếu nhi vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Năm 2021, Công ty Đường sách TP.HCM (một đơn vị thuộc Hội Xuất bản Việt Nam) đã phối hợp cùng Thành đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM mở cuộc vận động các đơn vị xuất bản, phát hành quyên góp tặng trên 15.000 bản sách (sách giấy, ebook, audio book) cho thanh thiếu nhi và người dân tại các khu phong tỏa, khu cách ly.

Cùng với Hội Xuất bản Việt Nam, rất nhiều đơn vị sách khác cũng thực hiện trao tặng những tủ sách đến các trường học, thư viện cộng đồng như Thái Hà Books, Chibooks, Đông A... Chưa đầy một năm qua, dự án Sách đến tay em của câu lạc bộ Yêu sách Thái Hà đã trao tặng được 12 tủ sách tại trường Tiểu học Sa Pa, Trung học cơ sở Phan Si Păng và một số trường tại Bắc Giang, Ba Vì. Khoảng 100 cây ATM sách đã được lắp đặt gần những khu dân cư. Đây là một phần trong dự án Khuyến đọc Việt Nam hướng đến việc đem sách đến mọi người.

"Tôi từng đi khảo sát một số nơi đã đặt ATM sách trong đó có huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Tôi hỏi người trông coi và được biết rất nhiều người vui mừng đón nhận cây ATM sách. Nhờ nó mà người dân có nhiều cuốn sách mới để đọc. Đây chỉ là một trong nhiều khu vực được đặt cây ATM sách", TS Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện dự án, cho biết.

Cho đến năm 2023, Chibooks đã trao tặng 53 tủ sách cho nhiều tỉnh thành trên địa bàn cả nước. Đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Trường Trung học cơ sở Ngọc Chiến (Bản Đông Suông, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La), Trường Tiểu học số 1 (xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Sơn La)...

 


Các thành viên của CLB Yêu sách Thái Hà sắp xếp sách tại thư viện cho trẻ em vùng cao. Ảnh: NVCC.


"Chúng tôi nhận thấy các em nhỏ nơi đây rất khó khăn. Đồ dùng sinh hoạt, học tập còn thiếu thốn rất nhiều, không có sách truyện để đọc giải trí. Nhiều em nhỏ phải lội bộ băng rừng để đi học trong tiết trời giá lạnh, địa hình hiểm trở. Vì vậy Chibooks mang tới cho các em thêm nhiều cuốn sách hay để các em có thêm những người bạn, thêm niềm vui để san sẻ những vất vả trong cuộc sống, khích lệ các em có thêm động lực đến trường mỗi ngày", Đại diện Công ty Cổ phần Văn hóa Chi chia sẻ.

Có thể thấy sự tham gia tích cực của các công ty sách, đặc biệt là Hội Xuất bản và các thành viên trong đó đã góp phần thay đổi diện mạo của hệ thống thư viện công và thư viện cộng đồng. Sau hai năm 2020-2022, Hội Xuất bản đã xây dựng thành công ‘‘Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học’’ và được các trường tiểu học tiếp nhận, đưa vào áp dụng cho năm học mới 2022-2023. Đơn vị luôn sẵn sàng tư vấn giải pháp cho các thư viện hiện nay.

 

Những chương trình dành riêng cho sách
Năm 2014, Hội Xuất bản Việt Nam đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án về Ngày Sách Việt Nam. Từ đó, ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. Đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định gọi ngày 21/4 là Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay cho cái tên trước. Như vậy cụm từ "văn hóa đọc" đã được phổ biến đến người dân qua một hoạt động mang tầm cỡ quốc gia.

Năm 2022 là năm đầu tiên cả nước tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Vì diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, ngày sách chưa cho thấy được sức nóng. Nhưng trong năm 2023, sau khi các đơn vị rút ra kinh nghiệm tổ chức, ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã thực sự trở thành một phong trào toàn quốc.

Sở Giáo dục của các tỉnh chỉ đạo trường học tổ chức ngày sách, các em học sinh có thể tham gia những hoạt động như giới thiệu, thuyết minh về sách, xếp sách nghệ thuật... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Thư viện Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện "Sách cho bạn cho tôi" hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Có thể thấy, nhiều đơn vị đang chung tay với Hội Xuất bản tham gia lan tỏa văn hóa đọc.

 


Trang Nguyễn, chủ nhân Giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021. Ảnh: NVCC.


Song song với việc phát triển văn hóa đọc cộng đồng, Hội Xuất bản cũng tham gia tổ chức, cố vấn, cho các giải thưởng tôn vinh người làm sách, thúc đẩy các đơn vị làm sách đưa ra những ấn phẩm chất lượng phục vụ bạn đọc. Sau năm năm tổ chức, giải thưởng Sách Quốc gia đã khẳng định vị thế và uy tín của hoạt động xuất bản trong xã hội, thu hút các nhà xuất bản, các công ty lớn tham gia với ý thức và chất lượng tác phẩm ngày càng cao.

Tại các sự kiện hội sách quốc tế, Việt Nam cũng góp mặt và để lại dấu ấn nhiều hơn. Trong Hội sách Thiếu nhi châu Á tại Singapore vừa qua, Việt Nam là quốc gia tiêu điểm với gian hàng trưng bày nhiều ấn phẩm độc đáo. Tiêu biểu là hình tượng Dế Mèn của nhà văn Tô Hoài. Đây là hình tượng gắn bó với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam nay được giới thiệu đến với bạn bè quốc tế. Không chỉ bằng các ấn phẩm, hình ảnh Dế Mèn còn xuất hiện qua công nghệ thực tế ảo. Độc giả chỉ cần quét mã QR là có thể chơi minigame tìm hiểu về các nhân vật trong truyện Dế Mèn phiêu lưu ký.

"Hội sách Thiếu nhi châu Á đã mở ra những tiềm năng và cơ hội cho sự hợp tác với ngành xuất bản trong khu vực và thế giới. Tôi tin rằng cùng sự hợp tác ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Singapore, ngành xuất bản hai nước nói chung, và lĩnh vực sách thiếu nhi nói riêng, sẽ ngày càng gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp hơn nữa", ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, phát biểu tại Hội sách Thiếu nhi châu Á.

 

Kiến tạo các không gian sách
Tiếp nối sự thành công của đường sách TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam đã chủ động phối hợp với một số địa phương nghiên cứu và xây dựng mô hình tương tự. Hội đã làm việc với các tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu... để chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng đường sách, vườn sách. Từ năm 2017 cho đến nay, đã có thêm bốn đường sách khác được thành lập ở Hà Nội, Đắk Lắk, Vũng Tàu, Đồng Tháp.

 


Độc giả tại vườn sách Thảo Cầm Viên Sài Gòn trong ngày khai trương. Ảnh: Thanh Trần.


Các không gian sách nằm giữa lòng thành phố này đều đang trở thành những điểm đến thú vị cho giới trẻ đô thị và các vùng lân cận. Vườn sách được tổ chức ngay trong Thảo Cầm Viên. Không gian gồm hai khu nhà lục giác và không gian ngoài trời rộng rãi dưới bóng cây, có bàn ghế và kệ sách, bộ sưu tập sách các thể loại, đặc biệt là sách thiếu nhi. Vào ngày 28/5, Vườn sách đã được Nhà xuất bản Trẻ (thành viên của Hội Xuất bản Việt Nam) trao tặng 1.000 cuốn sách cùng nhiều trang thiết bị cho không gian đọc sách như tủ, kệ sách, bàn ghế. Những không gian sách đang ngày một lớn mạnh, góp phần vào thúc đẩy văn hóa đọc cộng đồng.

Có thể nói, đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức của cộng đồng về việc đọc sách, hình thành thói quen đọc sách. Những biến chuyển này là kết quả của chuỗi chủ trương, quyết sách, thực hành của nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó có phần không nhỏ những hoạt động tích cực của Hội Xuất bản Việt Nam.

Nguồn: zingnews.vn

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận