Nguồn gốc "Đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc và số phận bi thảm của kẻ tạo ra nó

 19/07/2021  Đăng bởi: bản đồ quả cầu Việt

Khái niệm về "đường lưỡi bò" (hay "đường chín đoạn") phi pháp của Trung Quốc lần đầu được biết đến ở nước này từ năm 1947.

Đường lưỡi bò đã bị “bỏ quên” suốt 62 năm trước khi được Bắc Kinh trưng dụng làm “vũ khí” từ năm 2009, nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với hơn 80% diện tích Biển Đông. Yêu sách này dựa trên cái gọi là "đường 9 đoạn hình chữ U" do một nhà địa lý người Trung Quốc thêm vào bản đồ vào thập niên 1940.

Nguồn gốc Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc và số phận bi thảm của kẻ tạo ra nó - Ảnh 1.

Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền phí pháp đối với trên 80% diện tích Biển Đông bằng cách đưa ra cái gọi là “Đường 9 đoạn” 

Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết, trong đó khẳng định hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử đối với vùng nước nằm trong đường lưỡi bò.

Ngày 14/7/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo bác bỏ gần như tất cả các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Không lâu sau đó, ngày 23/7/2020, Australia gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ), bác bỏ tất cả yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong công hàm, Australia nêu rõ: "Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hoặc nhóm đảo trên Biển Đông."

Cái được gọi là đường 9 đoạn còn được biết đến là đường chữ U, hay Đường lưỡi bò.

Đường đứt đoạn kể trên xuất hiện lần đầu tiên trên các bản đồ Trung Quốc phát hành vào những năm 1940. Nó thể hiện yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng biển và tất cả các thực thể nổi (land features) nằm trong phạm vi các đường này.

Nguồn gốc của dường 9 đoạn có thể được bắt nguồn từ các bản đồ chính thức do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dưới quyền Quốc dân đảng, còn gọi là chính phủ Quốc dân đảng, thực hiện trước và sau Thế chiến II - theo cuốn sách "Vạc dầu châu Á: Biển Đông và hồi kết của một Thái Bình Dương ổn định" của học giả và chiến lược gia Mỹ Robert D. Kaplan.

Đường lưỡi bò ban đầu là đường 11 đoạn. Nhà địa lý Trung Quốc Yang Huairen là người thêm nó vào bản đồ. Yang sinh năm 1917, từng du học ở Anh trước khi làm việc cho chính phủ Quốc dân đảng.

Một bài đăng trên Tạp chí TIME viết: "Năm 1947, Yang đã cố gắng thực hiện tấm bản đồ có đường 11 đoạn và 286 bãi đá và bãi ngầm ở Biển Đông. Yang đã đặt tên chính thức cho từng bãi đá và bãi ngầm, gọi chung lãnh thổ đó là "Quần đảo ở Biển Đông"

Năm 1949, khi phe Quốc dân đảng thất bại và chạy sang Đài Loan, Yang ở lại Đại lục và bị thanh trừng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Tuy nhiên, sau này, khái niệm đường chữ U của Yang vẫn được Bắc Kinh sử dụng.

Năm 1952, Mao Trạch Đông từ bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với Vịnh Bắc Bộ và đường 11 đoạn trở thành đường 9 đoạn.

Dù đã xuất hiện từ năm 1947, suốt một thời gian dài, ngay cả các bản đồ của Trung Quốc cũng hầu như không thể hiện đường này. Mãi đến năm 2009 Trung Quốc mới đưa một bản đồ có đường 9 đoạn vào một hồ sơ đệ trình lên LHQ.

Tuy nhiên, ý nghĩa của đường lưỡi bò của Trung Quốc hoàn toàn mơ hồ. Marina Tsirbas, cố vấn cấp cao về chính sách tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết đường 9 đoạn là "tuyên bố chủ quyền tối đa và quyền kiểm soát đối với tất cả các thực thể nổi, thực thể chìm và đáy biển trong khu vực được giới hạn bởi đường 9 đoạn. Đây quả thực là điều mà nhiều nước lo ngại."

Từ lâu, Trung Quốc đã khăng khăng rằng tuyên bố chủ quyền của họ đối với Biển Đông là thích đáng về mặt lịch sử. Một số nhà phân tích và học giả người Trung Quốc ngang ngược tự cho rằng các đảo ở Biển Đông lần đầu tiên được phát hiện bởi nhà Hán cách đây hơn hai thiên niên kỷ.

Theo Robert D. Kaplan, các học giả này còn lập luận thêm rằng một phái đoàn Trung Quốc đến Campuchia hồi thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên đã "kể về Hoàng Sa và Trường Sa". Sau đó, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 14, trong thời kỳ nhà Tống và nhà Nguyên, nhiều báo cáo chính thức và không chính thức của Trung Quốc cho thấy Biển Đông nằm trong ranh giới quốc gia của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những ngụy biện về "quyền lịch sử" này không có căn cứ.

Nguồn gốc Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc và số phận bi thảm của kẻ tạo ra nó - Ảnh 2.

Cán bộ, nhân viên tàu Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) hướng dẫn tàu cá vào neo đậu tránh bão số 0 (Tháng 10/2020)

Wang Ying, một nhà địa lý biển người Trung Quốc và là học trò của Yang Huairen, thừa nhận trên TIME: "Quả thực, ngoài thời nhà Minh (1368-1644) có sự bùng nổ về thăm dò hàng hải, thì phần lớn các hoàng đế Trung Hoa đã cho thi hành chính sách bế quan tỏa cảng".

Thứ hai, theo lập luận của Kaplan, hầu hết các thực thể nổi và các đảo trong Biển Đông trước kia chỉ là "những mảnh nhỏ của trái đất với rất ít ý nghĩa lịch sử và về cơ bản không có người ở."

Theo Điều 56 trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là một bên tham gia, các nước có quyền khai thác các nguồn tài nguyên bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước mình. Theo đó, bất kỳ phần nào của đường lưỡi bò nằm ở bên trong EEZ của nước khác đều là phi pháp. 

Các quy định trong luật pháp quốc tế cấm Trung Quốc chiếm hữu tài nguyên và bồi đắp các thực thể nhân tạo trái phép trong EEZ của các nước. 

Thêm vào đó, phán quyết của PCA năm 2016 đã khẳng định cái gọi là yêu sách chủ quyền lịch sử mà Bắc Kinh đưa ra để biện minh cho đường 9 đoạn là vô căn cứ và không hợp pháp, do đó tuyên bố về quyền sở hữu của Trung Quốc bằng đưỡng lưỡi bò đối các vùng nước khác ở Biển Đông thông qua tiền lệ lịch sử cũng là hoàn toàn trái pháp luật.

Nguồn gốc Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc và số phận bi thảm của kẻ tạo ra nó - Ảnh 3. 

Một chiến sĩ hải quân Việt nam trên đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

  Trích nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Viết bình luận của bạn:
Trở thành

nhà phân phối Narenca

trên toàn quốc