Dịch bệnh là một phần tất yếu của lịch sử

 22/08/2021  Đăng bởi: Việt bản đồ quả cầu

Thế kỷ XXI vẫn còn đó nỗi lo về HIV, dịch tả hay những dịch cúm theo chu kỳ. Vũ Hán hôm nay là món quà tất yếu của sự phát triển mà chúng ta không thể tránh được.

123.jpg

Dịch bệnh, nạn đói và chiến tranh đã từng là những kẻ thù đáng sợ nhất đe dọa tới cuộc sống con người. Ngày nay, khi mà toàn cầu hóa không chừa bất cứ một lỗ hổng nào cho sự khác biệt thì ngay đến nỗi sợ cũng trở nên đa phương hóa. Thế kỷ XXI chứng kiến sự lên ngôi của cô đơn và tự do, của tôi và chúng ta, của những nỗi sợ hiện hữu trong thế giới tinh thần. Dịch bệnh cùng nỗi đau xác thịt dần trở thành dĩ vãng, mang theo những hoài niệm cất giữ nơi viện bảo tàng, chỉ nhìn và không được sờ vào hiện vật. Cho tới khi ai đó vô tình làm dây giọt mực, rót vào bức tranh rồng đôi mắt của sự sống. Vũ Hán là bảo tàng như thế và coronavirus là con rồng như thế. Đó là bước chuyển quan trọng, song không phải độc nhất.

Vũ Hán chỉ là pha bẻ lái cuối cùng trong một truyện trinh thám đa tầng của tạo hóa. Ngay từ đầu sự thật đã luôn hiện hữu. Ngay từ đầu dịch bệnh đã luôn ở bên ta.

1. Có thể nói dịch bệnh là bạn đồng hành của nền văn minh.

Trong suốt mấy triệu năm lịch sử, hầu như loài người không phải đối mặt với dịch bệnh. Mọi thứ bắt đầu thay đổi kể từ khoảng sáu vạn năm trước, khi nhân loại mở rộng phạm vi phân bố của mình. Từ những thị tộc nhỏ vùng Đông Phi, con người tiến về phía các đồng bằng châu thổ trù phú ven các dòng sông lớn. Từ đây, hình thành các xã hội nông nghiệp dẫn đến bùng nổ dân số. Và cũng từ đây, những dịch bệnh đầu tiên đã xảy ra. Dịch bệnh được biết đến từ rất sớm, trong các sử thi của người Sumer ở Lưỡng Hà, trong kinh Vệ Đà ở Ấn Độ và đặc biệt là trên các văn tự giáp cốt ở Trung Quốc cổ đại khi dân cư mở rộng từ Hoàng Hà phía bắc xuống lưu vực sông Dương Tử phía nam. Không còn săn bắt, hái lượm, không còn đời sống du mục, cả nhân loại và bệnh tật đều đã tìm thấy miền đất hứa của mình. Dân cư đông đúc làm tăng khả năng lây nhiễm.

http://bookish.vn/wp-content/uploads/2020/03/trade-1024x535.jpg

Ngày nay, nhìn lại từ Vũ Hán, không cần cách ly nếu chúng ta chẳng có thành phố nào, dịch bệnh không thể xảy ra nếu chỉ có vài người. Bên cạnh đó thì dòng chảy chậm, lưu thông kém của nước và không khí cùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh dịch phát triển. Ngược lại, sự chia cắt địa lý cũng như khí hậu Địa Trung Hải giúp cho các thành bang Hy Lạp ít chịu nạn dịch tự nhiên. Như vậy, từ thuở ban sơ, dịch bệnh đã theo bước chúng ta khắp các ngả rẽ của nền văn minh.

2. Xã hội nông nghiệp không chỉ làm tăng dân số, mà còn làm tăng số lượng vật nuôi.

Trước khi làm bạn với cây lúa, chó đã là bạn của con người. Mười ngàn năm trước là heo, rồi trâu, bò, gà, cừu… Đàn vật nuôi tăng lên nhanh chóng và đến lúc này, chúng bắt đầu chịu chung số phận như loài người. Trước dịch bệnh, người và vật bình đẳng đến không ngờ, thậm chí loài vật còn ưu thế hơn khi bệnh tật có thể lây sang cả thượng đế của chúng, tức con người. Sán dây đã có từ thời Ai Cập cổ đại, và mặc cho sự linh thiêng của các vị thần, các pharaoh vẫn nhiễm như thường nếu ăn phải thịt bệnh.

Ngày nay, không khó để bắt gặp người bị giun đũa từ chó hay thậm chí là kangaroo. Tuy nhiên, đó chỉ là những ca bệnh đơn lẻ trong khi dịch bệnh thực sự thường do những sinh vật nhỏ hơn gây ra, như vi khuẩn và đặc biệt là virus. Và không phải chó hay bò, gà mới là nhân vật chính ở đây. Cúm gà hay cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài gia cầm (hay chim), và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus này được phát hiện lần đầu tiên là tại Ý vào đầu thập niên 1900 và giờ đây phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Sự thay đổi kháng nguyên làm cho virus cúm trở nên khó đối phó hơn bao giờ hết ngay cả trong thế kỷ XXI. H5N1 và H1N1 trở thành các mối đe dọa toàn cầu khi khiến hàng trăm người tử vong trong thập niên đầu thế kỷ này. Và một khi gần 8 tỷ người vẫn sống nhờ vào ngành chăn nuôi và với hơn 25 tỷ con gà thì đại dịch là điều khó có thể tránh khỏi.

http://bookish.vn/wp-content/uploads/2020/03/5e35c78a5bc79c693a4f06d2-1-1024x512.jpg

3. Hoạt động nông nghiệp không phải yếu tố duy nhất gây ra dịch bệnh.

Dù cho nguy hiểm, cúm gia cầm chỉ giết chết vài ngàn người, không nhiều hơn sét đánh hay rắn cắn. Trên thực tế, thương mại mới chính là nguồn cơn của các thảm họa. Quay trở lại Hy Lạp cổ đại, khí hậucách ly địa lý không giúp họ miễn nhiễm với dịch bệnh. Mối giao thương giữa các thành bang đưa đến nhiều mầm bệnh, và khi điều kiện thuận lợi xảy đến, dịch bệnh sẽ nở rộ mà chiến tranh Peloponnese là một sự kiện tiêu biểu. Theo nghĩa rộng, chiến tranh cũng là một quá trình thương mại nơi máu và sắt đổi lại vàng bạc châu báu kèm theo dịch bệnh như là thuế VAT. Khi những đội quân đồng minh mang theo mầm bệnh trên các chiến thuyền hội về Athens kết hợp với tình trạng thiếu thốn lương thực đã vô tình tạo cho Athens thêm một kẻ thù hùng mạnh: liên minh giữa nạn đói, chiến tranh và dịch bệnh. Không khó nhận ra chuyện này đã vượt khỏi thẩm quyền của Athena, để rồi cuối cùng nữ thần chiến thắng buộc phải đứng nhìn quân Sparta đánh bại đô thành của mình. Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh giao thương – dịch bệnh. Giao thương càng mở rộng thì dịch bệnh càng có cơ hội phô diễn bản tính khó lường. Gần hai ngàn năm sau chiến tranh Peloponnese, vào giữa thế kỷ XIV, châu Âu đã phải đón nhận một món hàng vô tiền khoáng hậu.

Khởi đầu từ việc lên đường tìm viện binh chống lại Hung Nô, những tuyến đường nhỏ nối Trung Quốc với phía Tây nhanh chóng được các thương nhân tận dụng tối đa và về sau trở thành tuyến giao thương huyết mạch của thế giới, với tên gọi con đường tơ lụa. Vào giữa thế kỷ 14, những con chuột bí ẩn theo dấu chân các nhà lữ hành vượt Địa Trung Hải, mang theo Cái chết Đen đến với châu Âu. Ngày nay chúng ta biết rằng đây là bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis ký sinh trên bọ chét của các loài gặm nhấm gây ra.  Nhưng ở thế kỷ XIV, sự thiếu hiểu biết khoa học càng làm dịch bệnh trầm trọng. Và cũng phải thừa nhận rằng các điều kiện có sẵn như chiến tranh, nạn đói và thời tiết đã khiến đại dịch dịch hạch trở nên khủng khiếp hơn. Chỉ trong vòng vài năm, đại dịch lan ra khắp châu Âu và châu Á, giết chết hàng trăm triệu người và là một trong những lần hiếm hoi dân số thế giới sụt giảm. Thương mại không chỉ mang đến sự giàu có thịnh vượng cho con người, nó còn là kênh lây truyền dịch bệnh mạnh mẽ nhất. Ngày nay, không cần mất đến vài tháng trời băng qua sa mạc hay biển lớn như những con chuột đồng nghiệp xưa kia, chỉ cần một chuyến bay là quá đủ để virus xuất hiện tận bên kia bán cầu.

http://bookish.vn/wp-content/uploads/2020/03/20131122_blackdeathfeature-1024x628.jpg

4. Dẫu sao Cái chết Đen cũng chỉ gói gọn trong các cựu lục địa, các loài động vật không đủ sức để mang bệnh dịch vượt đại dương.

Các loài động vật không đủ nguy hiểm bằng con người. Thế kỷ XVI chứng kiến sự bùng nổ của các phát kiến địa lý, và sau hàng ngàn năm cách biệt, các dân tộc bản địa đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt. Người da trắng bấy giờ như những con chuột vài thế kỷ trước và virus vài thế kỷ sau, đem theo mầm bệnh lan truyền khắp thế giới. Họ trở thành vật chủ trung gian lây truyền bệnh dịch từ châu Phi sang châu Mỹ, từ châu Âu sang châu Úc, đưa bệnh tật, cùng với nô dịch và bất công trở nên toàn cầu hóa. Nhờ đó, mà ngoài cần sa và ớt, tơ tằm và kim khí, giờ đây thế giới được hưởng chung ánh sáng chói lòa của giang mai và thổ tả.

5. Nhưng không phải chỉ lịch sử mới tác động đến dịch bệnh mà ở chiều ngược lại, dịch bệnh cũng làm xoay chuyển bánh xe lịch sử.

Sự tàn phá khủng khiếp của Cái chết Đen làm lung lay cả thánh thần, là tiền đề cho những cải cách tôn giáo của phái Tin lành sau này. Dịch bệnh cũng làm thay đổi trong thiết kế nhà cửa, và những phần mái được thay thế bằng ngói tranh cho chuột trú ẩn vẫn tồn tại đến bây giờ. Dịch bệnh hủy hoại nặng nề kinh tế nông nghiệp và nâng cao vị thế công nhân trước khi Karl Marx tuyên bố điều đó hàng trăm năm. Đối với người Hán, dịch bệnh là cơ hội để đánh đuổi những kẻ xâm lăng Mông Cổ ra khỏi đất nước còn với người Do Thái, họ phải sống trong cơn ác mộng bài xích tệ hại nhất. Đầu thế kỷ 20, cúm Tây Ban Nha thậm chí còn làm kết thúc sớm Thế chiến thứ nhất mặc cho số người chết vì nó tương đương với Thế chiến thứ hai và Nạn đói lớn ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, dịch bệnh hóa ra lại là động lực mạnh nhất giúp cho y tế phát triển. Nhờ có đậu mùa, chủng ngừa và vắc-xin ra đời và nhờ có chủng ngừa và vắc-xin, bệnh đậu mùa đã biến mất vĩnh viễn. Thế kỷ XX đánh dấu bước ngoặc của y học khi lần đầu tổng hợp thành công kháng sinh. Từ đây, mở ra cuộc chạy đua trường kỳ của vi khuẩn và kháng sinh mà chúng ta có phần lép vế. Ngày nay, cùng với chiến tranh hạt nhân, tình trạng kháng kháng sinh là một trong những điều quyết định vận mệnh chúng ta.

6. Dịch bệnh vẫn sẽ luôn tồn tại cho đến khi nào con người còn tồn tại.

Thế kỷ XXI vẫn còn đó nỗi lo về HIV, dịch tả hay những dịch cúm theo chu kỳ. Vũ Hán hôm nay là món quà tất yếu của sự phát triển mà chúng ta không thể tránh được. Chúng ta học cách chấp nhận, chúng ta học cách chống lại. Tất cả những điều chúng ta làm đều trở thành lịch sử. Dịch bệnh là một phần tất yếu của lịch sử.

                                                                                                                Trích nguồn: bookish

 

Viết bình luận của bạn:
Trở thành

nhà phân phối Narenca

trên toàn quốc